Nói về ô nhiễm mạng xã hội nhân vụ Thơ Nguyễn

Thứ tư - 17/03/2021 13:16 476 0
Ngày 15-3, Thơ Nguyễn, chủ sở hữu kênh YouTube đình đám có tới 8,74 triệu lượt người theo dõi với hơn 6,3 tỉ lượt xem từ 1.199 video clip được đăng tải kể từ tháng 3/2016, xếp hạng thứ 1.073 toàn cầu về lượng người theo dõi, đã ẩn hết số clip cũ đã làm trong hơn 5 năm qua và tạm tắt nút kiếm tiền trên kênh YouTube.
Nói về ô nhiễm mạng xã hội nhân vụ Thơ Nguyễn
Ngay sau buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương về những nội dung được cho là có dấu hiệu truyền bá mê tín dị đoan, Thơ Nguyễn cùng ê-kip của cô thừa nhận họ “là người có lỗi” và xin nhận lỗi với các phụ huynh học sinh vì đã “gián tiếp gây ra sự tổn thương cho các em nhỏ” vì nội dung và cách truyền tải chưa phù hợp trong những clip phát trên MXH trong thời gian qua.
Trường hợp Thơ Nguyễn là một trường hợp vi phạm được các cơ quan có trách nhiệm xử lý nhanh gọn nhờ thái độ cầu thị của cả ê-kip sản xuất chương trình với tinh thần thượng tôn pháp luật. Đây là một kết cục khá nhẹ nhàng nếu so với một số trường hợp khác như “Khá Bảnh”, Thánh chửi “Dương Minh Tuyền”, những người được gọi là “giang hồ” trên MXH với những video “bẩn” có nội dung bạo lực, chửi bậy, đốt xe, vi phạm luật giao thông, chơi ma túy, đánh bạc, xúc phạm chính quyền… đã bị YouTube cấm cửa và bị chính quyền Việt Nam đưa đi “bóc lịch” cách đây chưa đầy hai năm.
Đó chỉ là một vài ví dụ về sự ô nhiễm trên MXH. Hiện tượng ô nhiễm không gian mạng xuất hiện cùng với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của Internet và các kênh MXH, nhất là Facebook và YouTube. Vì những khoản lợi nhuận đôi khi dễ dàng kiếm được từ MXH hay có thể vì những động cơ khác nữa, nhiều người đã bất chấp những quy phạm đạo đức xã hội, thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để đưa lên MXH những sản phẩm xấu, độc nhằm câu view, tăng lượng quảng cáo (ước tính khoảng ½ số tiền quảng cáo trên YouTube rơi vào các clip nội dung xấu độc), tạo nên một sự ô nhiễm ngày càng tăng trên không gian mạng.
Điều nguy hiểm hơn nữa là khi ô nhiễm trên MXH có liên quan đến những vấn đề có thể ảnh hưởng đến ổn định chính trị – xã hội, an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế của đất nước. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, một số kẻ bất mãn triệt để lợi dụng không gian mở của MXH để tung ra những thông tin bịa đặt, thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin thật – giả, trắng – đen lẫn lộn nhiều khi rất khó phân biệt, lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức…, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin trong xã hội, làm cho người đọc nghi ngờ, dao động về tư tưởng, mất phương hướng về chính trị, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, tạo điều kiện cho “diễn biến” và “tự diễn biến”, cản trở con đường đi lên của đất nước.
Mức độ ô nhiễm trên MXH ở Việt Nam đã giảm đi trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang ở mức đáng lo ngại. Điều đáng tiếc là nhiều người sử dụng MXH ở Việt Nam, trong đó có cả những người có trình độ học vấn, đảng viên, cán bộ nhà nước, lại không nhận thức rõ sự nguy hại đến từ những thông tin, hình ảnh, videoclip có nội dung sai trái, nhảm nhí, độc hại đầy rẫy trên các trang MXH. Nhiều người lại sẵn sàng ủng hộ, tung hô những kẻ có những hành vi vi phạm pháp luật, những kẻ phá hoại, chống đối trên MXH, nhiều khi biến họ thành những người hùng. Nhiều người không có ý thức phân biệt tin thật-giả, sẵn sàng like và share những thông tin chưa được kiểm chứng.
Việt Nam là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Gần 70 triệu người Việt Nam đăng ký sử dụng Facebook. Hơn một nửa dân số Việt Nam xem YouTube. Có khoảng 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng YouTube, trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi. Một điều dễ hiểu là trên những trang MXH nói trên sẽ có không ít những thông tin, hình ảnh, video clip mang nội dung xấu, độc. Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực làm sạch môi trường mạng trong những năm gần đây và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, nhưng việc xử lý ô nhiễm môi trường mạng chắc chắn là một nhiệm vụ không hề đơn giản, không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.
Giữ gìn môi trường MXH luôn thông thoáng, sạch sẽ, ít bị ô nhiễm không chỉ là công việc của riêng một bộ hay một số cơ quan quản lý nào đó, mà là trách nhiệm chung của mọi người. Những người sử dụng mạng không thể coi mình là người đứng ngoài, mà phải coi mình là người trong cuộc, cùng chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra trên không gian mạng trong nước, coi đó như ngôi nhà chung của cộng đồng người sử dụng MXH ở Việt Nam./.

Nguồn tin: Hương sen Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những Ca khúc viết về Cư Jút
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây